Sự bùng phát của COVID-19 đã “tạo đà” cho Gaming đạt được độ phổ biến chưa từng có. Có thể nói, đây là một trong những ngành hiếm hoi không những không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch mà còn tăng trưởng mạnh mẽ. Trong đó, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 4 tại thị trường Đông Nam Á và có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực.
Xu hướng Gaming “lây lan” nhanh chóng nhờ COVID-19
Mới đây, Dynata và Simon-Kucher đã kết hợp để nghiên cứu về thị trường game với hơn 13,000 người dùng tại 17 quốc gia. Trong đó, những người tham gia khảo sát được chia thành 3 nhóm: casual gamer, gamer và serious gamer. Casual gamer là những người dành trung bình 5 tiếng mỗi tuần để chơi game. Gamer là những người chơi game từ 5-20 tiếng mỗi tuần và những người dành hơn 20 tiếng mỗi tuần cho hoạt động chơi game được gọi là Serious gamer.
Dưới tác động của COVID-19, số giờ chơi game trên toàn thế giới đã gia tăng nhanh chóng. Số lượng người chuyển từ gamer thành serious gamer tăng tới 30%, trong khi đó các casual gamer cũng tăng số giờ họ dành để chơi game. Kể cả khi khủng hoảng do đại dịch kết thúc, phần lớn trong số họ được dự kiến là sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian cho game và duy trì mức tăng là 17% so với trước dịch.
Theo báo cáo của Simon-Kucher, số giờ chơi game tăng cũng tỉ lệ thuận với lượng chi tiêu trong trò chơi. Trong giai đoạn COVID-19, chi tiêu cho việc chơi game đã tăng gần 40% so với trước đó. Khi đại dịch kết thúc, chi tiêu cho các trò chơi điện tử được dự đoán sẽ có thể giảm xuống nhưng vẫn duy trì mức tăng 21% so với trước COVID-19. Tuy vẫn có những điểm khác biệt giữa các khu vực, sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường Game mà đai dịch mang lại là điều không thể phủ nhận và xu hướng này chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong tương lai. Hiện ngành công nghiệp trò chơi toàn cầu được dự đoán sẽ vượt ngưỡng 170 tỷ USD vào cuối năm nay – tăng 50% so với dự báo trước đó.
Thị trường gaming Việt Nam “lên như diều gặp gió”, vươn lên vị trí thứ 4 trong khu vực
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 rõ ràng đã khơi dậy mối quan tâm đối với ngành công nghiệp trò chơi vốn đang trên đà phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó cũng có các yếu tố khác như: tỷ lệ thâm nhập cao của Internet (59%) và điện thoại di động (67%), phạm vi phủ sóng internet tốc độ cao, bao gồm cả mạng 4G, cho phép người dùng chơi khi đang di chuyển. Theo đó, nghiên cứu của Niko Partners và Google dự đoán rằng, thị trường eSport của Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á. Doanh thu từ trò chơi điện tử Việt Nam dự kiến đạt 10.1 triệu USD trong năm nay, tăng 16% so với năm 2019.
Team Flash – đại diện Việt Nam giành nhiều chức vô địch giải quốc tế Liên quân Mobile
Với hơn một nửa dân số ở độ tuổi dưới 25, đối tượng thanh thiếu niên đóng vai trò rất quan trọng tới sự đột phá của thị trường game Việt nam. Hậu COVID-19, lượng người chơi game tại Việt Nam đã tăng 30% và cán mốc 3.99 triệu, chiếm gần 2/3 số người trong độ tuổi 18-30. Nhờ những tiềm năng to lớn này, Việt Nam đã trở thành một thị trường rất được các doanh nghiệp nước ngoài ưa chuộng và “săn đón”. Hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc – đang chiếm tới 69% lượng trò chơi trực tuyến được phát hành tại thị trường Việt. Hai trong số năm tựa game hàng đầu là AOV và Call of Duty Mobile đều được sản xuất bởi TiMi Studios – một công ty con của Tencent, Trung Quốc.
Số liệu mới nhất từ App Annie cho thấy: trong vòng 11 tuần đầu năm 2020, lượt tải ứng dụng trò chơi trên nền tảng di động của người Việt đã tăng tới 40% kể từ sau Tết. Điều này ngược lại hoàn toàn so với tình trạng “im ắng” vào cùng kỳ năm 2019.
Theo báo cáo Khủng hoảng COVID-19: Tác động và tiềm năng Phục hồi do công ty quảng cáo Adsota phát hành, ngành game được dự đoán sẽ “lên như diều gặp gió” khi có tới 36% người tham gia khảo sát cho biết họ chơi game nhiều hơn trong giai đoạn bùng phát dịch. Ngoài ra hoạt động livestream game cũng phá nhiều kỷ lục ấn tượng. Cụ thể, Facebook Gaming đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc: tổng lượt xem tăng 81.3%, lượt tiếp cận và tương tác tăng lần lượt 50% và 79.6%. Đặc biệt, Nam Blue – game streamer đình đám của chương trình kết hợp giữa OTA Network và Facebook Gaming cũng đã đạt 137,000 view trong cùng một thời điểm – kỷ lục cao nhất tại Đông Nam Á trên nền tảng Facebook Gaming.
Với những số liệu vô cùng tích cực này, gaming đã không còn là một thị trường ngách mà dàn tạo ảnh hưởng lên các ngành hàng khác. Các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực có thể tận dụng số lượng người chơi và người hâm mộ ngày càng tăng theo nhiều hướng như: cung cấp các dịch vụ và sản phẩm bổ trợ cho trải nghiệm trò chơi, tận dụng gamification, in-game ads và game livestream trong các hoạt động quảng cáo.
Đọc thêm những bài viết về những cơ hội và giải pháp tối ưu nhất khi ứng dụng Game trong quảng cáo tại Emagazine GAMING – “MIỀN ĐẤT HỨA” CHO NGÀNH QUẢNG CÁO ở link này https://bit.ly/2HXq26E