Cách đây khoảng 5 năm, chắc hẳn nhiều game thủ Việt vẫn còn khá lạ lẫm với cụm từ “game streamer”. Thực tế thì việc tự quay lại hay phát sóng trực tiếp quá trình chơi game của mình đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2011 và dần phổ biến trên kênh Twitch. Nhưng mãi cho đến khi xuất hiện những Streamer làm chao đảo cả thế giới với mức thu nhập và độ ảnh hưởng của mình, điển hình là Pewdiepie thì Game Streaming mới bắt đầu dành được sự chú ý của đông đảo tín đồ yêu game trên khắp Thế giới.
Tại Việt Nam, những streamer đi tiên phong và đã có được thành công lẫn chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng có thể kể đến như Pewpew, Viruss, QTV, … Đó chính là những tấm gương đang thôi thúc các gamer Việt theo đuổi ước mơ và dùng chính đam mê của mình để biến nó thành một công việc với mức thù lao hấp dẫn cùng cơ hội trở thành những KOL có sức ảnh hưởng lớn.
Nếu bạn đã, đang và sẽ đặt bước chân của mình trên con đường trở thành những Game Streamer, hãy cùng Adsota tìm hiểu xem làm thế nào để trở thành một Game Streamer thành công qua bài viết dưới đây nhé!
Nên stream trên nền tảng nào?
Hiện nay có rất nhiều nền tảng stream nói chung và stream game nói riêng xuất hiện trên mạng internet. Nổi bật hơn cả trong số đó là 3 “ông lớn” Facebook Gaming, Youtube Gaming và TwitchTV.
Nếu Twitch đang là nền tảng được ưa chuộng hơn ở vùng Bắc Mỹ với “tuổi đời” và vị thế của người mở đường thì Youtube Gaming lại thu hút các tín đồ game lẫn Streamer ở Châu Á với chất lượng hình ảnh tốt và những ưu thế của một nền tảng vốn chuyên dành cho video. Còn nhắc đến Facebook Gaming, chúng ta lập tức có thể hình dung được một nền tảng được kế thừa cộng đồng hơn 2 tỷ người dùng và tiềm lực đầu tư cực lớn từ mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
Bạn có thể tìm hiểu kĩ hơn về các nền tảng stream này qua bài viết Gaming Livestream: Mảnh đất màu mỡ dành cho Streamer Việt.
Việc lựa chọn nền tảng để bắt đầu stream trên đó là vô cùng quan trọng, bởi đó chính là sân chơi trên thực tế của các bạn. Cần phải xác định rõ những ưu và nhược điểm của nền tảng đó rồi cân đo với nhu cầu và mục đích stream của bản thân để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Ví dụ như Twitch có những yêu cầu và quy tắc nghiêm ngặt hơn đối với streamer và chỉ ban hành một số loại nội dung cố định, hay Youtube Gaming sẽ không trả cho bạn khoản lương cứng nào khi stream mà chủ yếu nguồn thu phải dựa vào tiền “donate” từ người xem hay quảng cáo Adsense của Google hoặc tiền thưởng từ các nhà tài trợ, v.v…
Những yêu cầu về phần cứng bạn cần chuẩn bị
1. Một chiếc máy tính cấu hình ổn hoặc một chiếc console
Dù có một số ngoại lệ nhưng đa phần các game thủ thường stream trên PC nhiều hơn. Theo như gợi ý của Twitch thì ít nhất máy tính của bạn cần sở hữu 1 chip Intel Core i5-4670 trở lên (hoặc tương đương đối với AMD) , cùng đó là tối thiểu 8GB RAM và Windows 7 trở lên. Cùng với đó thì bạn hoàn toàn có thể stream tốt từ hệ điều hành Mac nếu cỗ máy của bạn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cấu hình trên. Đối với các game đòi hỏi cấu hình cao, việc làm đồng thời 2 việc vừa stream và vừa chơi đôi lúc có thể gây ra sự quá tải cho chiếc PC của bạn. Để khắc phục hạn chế này, nếu điều kiện tài chính cho phép thì bạn hoàn toàn có thể học tập theo cách của một số game thủ khi họ sử dụng 2 máy tính, một chiếc để chơi game và một chiếc để stream và broadcast.
Đặc biệt là muốn stream trên PC thì card đồ họa máy bạn cần phải đủ mạnh để có thể chiến được bất cứ game gì mà mình muốn chơi, và lý tưởng nhất là các loại card có hỗ trợ DirectX 10 trở lên. Cùng với đó là mạng Internet phải càng nhanh càng tốt, với tốc độ tải lên tối thiểu nên là 3 MB/giây. Đây là yêu cầu quá ư là đơn giản trong thời kỳ công nghệ phát triển như hiện nay, khi hầu hết các đường truyền mạng hộ gia đình hay thậm chí là mạng di động 3G, 4G đều đáp ứng được tốc độ này.
Nếu bạn sở hữu một chiếc Xbox One hay PS4, bạn có thể stream trực tiếp từ thiết bị chơi game của mình mà không cần bất kì một thiết bị phần cứng hay phần mềm chuyên dụng hỗ trợ nào nữa cả. Trên Xbox One, bạn chỉ cần tải về các ứng dụng miễn phí như Facebook Gaming, Youtube Gaming hay Twitch tương ứng với nền tảng và bạn muốn stream. Còn trên PS4 thì bạn có thể live trực tiếp từ phần Share trên menu của hệ thống. Dù không thể tinh chỉnh giao diện tùy ý như khi trên PC nhưng cũng nhờ đó mà những người mới cũng dễ làm quen hơn phần nào khi stream. Cách thực hiện này cũng tương tự nếu bạn muốn stream game trên smartphone.
Ngoài ra đối với Nintendo Switch hay các hệ máy khác, bạn sẽ cần phải sắm một chiếc card ghi hình để phát lại đoạn phần chơi game của mình qua máy tính.
2. Phần mềm và công cụ hỗ trợ Livestream
Giờ là đến phần được coi là quan trọng nhất trong hành trang của mỗi streamer – bộ công cụ ghi hình và phát sóng livestream. Hai phần mềm được sử dụng phổ biến nhất hiện nay cho việc stream là Open Broadcasting Software (OBS), hoàn toàn miễn phí và XSplit với 2 phiên bản là miễn phí và Premium. So với OBS thì XSplit có giao diện tiện lợi và trực quan hơn nhưng bù lại người dùng sẽ phải chi một khoản tiền để có thể sử dụng hết các tính năng chính của phần mềm này.
Tuy vậy, dù có lựa chọn công cụ nào đi nữa,khi tiến hành stream bạn nên tuân thủ những bước cơ bản sau: một là chọn nguồn đầu vào (ví dụ như màn hình máy tính, giao diện gameplay hay webcam) và sắp xếp nó để cho thuận tiện và vừa mắt người xem nhất, sau đó cuối cùng là set up tài khoản (Youtube , Facebook..) và live thôi!
3. Microphone và Camera
Trên lý thuyết thì bạn hoàn toàn có thể tận dụng ngay bộ phận mic từ chiếc gaming headphone của mình, nhưng thường thì bạn nên sắm một microphone “xịn sò” để người xem có thể theo dõi bạn dễ dàng hơn. Các dòng như Blue Yeti, Samson Go hay Razer là những lựa chọn cao cấp và chuyên dụng nhất dành cho game thủ.
Còn về Webcam, các dòng của Logitech là sự lựa chọn tối ưu nhờ có chất lượng ghi hình chuẩn HD 1080p và góc nhìn rộng. Ngoài ra các sản phẩm cao cấp của hãng này còn bổ sung thêm cả chức năng tự động tách nền cho phép game thủ có thể “cut out” hình ảnh của mình trên màn hình stream mà không cần đến “background” là phông xanh.
Nguồn: Tổng hợp
(còn tiếp)