Adsota Creative Agency Blog

LÀM MARKETING NHƯ BẠO CHÚA ADOLF HITLER

Adolf Hitler – cái tên không còn xa lạ. Diệt chủng hơn 6 triệu người Do Thái, gián tiếp giết chết gần 85 triệu người trong Thế Chiến II,… án tử với hắn còn là nhẹ bởi nỗi ám ảnh tên bạo chúa này gieo rắc vẫn in hằn trong tâm khảm cả thế giới tới ngày nay.

Tuy nhiên, phải thừa nhận Hitler là thiên tài Marketing và xây dựng Branding. Hiếm có nhãn hàng nào khiến Audience “ám ảnh” về mình “khủng khiếp” như Hitler. Vậy hắn đã làm gì và làm như thế nào?

Vẽ ra tầm nhìn truyền cảm hứng

Nói về Hitler, gã luôn cho mình là “cái rốn của vũ trụ”. Hắn tin tưởng bản thân được sinh ra với một ý nghĩa cao cả, như kiểu giải cứu thế giới hoặc nhờ có hắn mà thế giới tốt đẹp hơn. Vì vậy, nếu muốn có một cuộc sống tốt đẹp, hãy đi theo và phục tùng hắn.

Tầm nhìn truyền cảm hứng

Rõ ràng, kiểu tư duy ấu trĩ này sẽ chẳng lôi kéo được người khác. Không ai muốn nghe lời của một kẻ vừa ích kỷ lại vừa ảo tưởng. Hitler biết điều đó, vì vậy hắn đã điều chỉnh một chút khi nói về tầm nhìn và sứ mệnh của mình trước nhóm công chúng mục tiêu: Đây không phải sự phục tùng. Đây là nền móng cho hành trình rửa nhục thất bại sau Thế Chiến I và trở thành cường quốc năm châu. Thứ này dễ khiến người khác “rung động” hơn. 

Quay lại bài toán xây dựng thương hiệu, đôi khi đội ngũ giỏi, sản phẩm/dịch vụ tốt sẽ không giúp thu hút khách hàng. Một trong những cách tốt nhất nhãn hàng nên làm là tạo ra tầm nhìn truyền cảm hứng, để khách hàng tự trả lời vì sao họ tới với bạn và ý nghĩa của bạn mang lại là gì. Một số nhãn hàng đang làm tốt trong việc tạo ra tầm nhìn truyền cả hứng như Vinamilk “Vươn cao Việt Nam”, Biti’s “Nâng niu bàn chân Việt” hay VinGroup “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”,…

Nhận diện thương hiệu cuốn hút

Cho tới nay, chữ vạn (swastika) trên lá cờ Đức Quốc Xã được xem là một trong những biểu tượng quyền lực nhất hành tinh. Khi được trình bày trên nền đỏ, nó ám chỉ sự đổ máu, chiến tranh, thượng đẳng và thế giới mới. Ý nghĩa này được lấy cảm hứng từ lý thuyết chủng tộc Aryan và chế độ phát-xít, những thứ Hitler vốn rất say mê.

Nhận diện thương hiệu cuốn hút

Quân phục màu nâu đỏ cũng là điểm nhấn trong nhận diện thương hiệu của Đức Quốc Xã. HugoBoss đã giúp Hitler thiết kế và sản xuất chúng hàng loạt. Việc có đồng phục riêng với biểu tượng chữ vạn (swastika) trên ngực khiến binh sĩ cảm thấy như 1 phần của thứ gì đó vĩ đại và dễ đồng cảm với những mục tiêu chung. Đây hẳn cũng là điều các nhãn hàng mong muốn khi cố gắng xây dựng cộng đồng thương hiệu trong thế giới internet “toán loạn” như ngày nay.

Một bộ nhận diện cuốn hút không chỉ “quyến rũ” khách hàng tiềm năng mà còn khiến họ thích thú và gần gũi hơn với thương hiệu. Đây là khoản đầu tư có lời và nhãn hàng nên cân nhắc. 

Tạo ra câu chuyện thương hiệu “chạm” cảm xúc

Bộ nhận diện đã xong. Giờ bạn cần khách hàng nhớ về bạn bằng những câu chuyện đầy cảm xúc. Chúng sẽ giúp bạn “vuốt ve” tâm trí khách hàng, giống như cách Hitler đã làm với dân tộc Đức.

Sau Thế Chiến I, Đức mang nỗi nhục của kẻ thua cuộc và phải đền bù cho phe Đồng Minh số tiền khổng lồ 63 tỷ USD (tương đương 768 tỷ USD ngày nay). Việc gồng mình chi trả khoản nợ trên khiến đồng tiền Đức mất giá, đẩy người Đức lâm vào cảnh nghèo khó, làm quần quật vẫn không có cái ăn. Tình trạng bí bách của xã hội lúc đó như quả bóng căng tròn, chỉ trực nổ toác. Và Hitler chính là chiếc kim chọc nổ quả bóng.

Câu chuyện thương hiệu “chạm” cảm xúc

Gã bạo chúa đứng lên đổ lỗi tình trạng hiện tại của người Đức đều do sự yếu kém của chính phủ và các chiến lược gia người Do Thái. Việc này nhanh chóng nhận được sự đồng cảm từ công chúng, đặc biệt là tầng lớp lao động – nhóm người bị chính phủ vắt kiệt tới xương tủy để chi trả cho thiệt hại sau chiến tranh. Ngay sau khi nhận được cảm tình từ công chúng, Hitler tuyên truyền bản thân chính là giải pháp chấm dứt mọi đau khổ, khiến nước Đức hùng mạnh trở lại. Kể từ đó, hắn dễ dàng chiếm được cảm tình và sự ủng hộ từ người dân.

Cách Hitler tạo ra câu chuyện đầy cảm xúc trên giống hệt cách Disney đã theo đuổi suốt bao năm nay. Khởi đầu bằng vấn đề, đẩy vấn đề lên cao trào, sau đó giải pháp xuất hiện và mọi thứ trở nên tươi đẹp hơn. Nhãn hàng của bạn cũng có thể áp dụng cốt truyện này để tạo ra những câu chuyện thương hiệu “quyến rũ”, như cách Hitler “bỏ bùa” người Đức dù hắn là người Áo và Disney cuốn hút hàng triệu thế hệ trẻ toàn cầu. Tuy nhiên, nhãn hàng cũng cần lưu ý khi tạo ra vấn đề – những “nút thắt” của câu chuyện. Tất cả phải được xuất phát từ trăn trở thật của khách hàng, và việc đẩy nó lên cao trào mạnh mẽ, khéo léo ra sao sẽ quyết định sự thành bại.

Khuếch tán để lan tỏa câu chuyện

Một tầm nhìn ý nghĩa, một bộ nhận diện tốt và một câu chuyện truyền cảm hứng đã giúp Hitler nổi bật và thu hút quần chúng. Tuy nhiên, để “lôi kéo” cả một dân tộc cho phong trào của hắn thì nhiêu đó vẫn chưa đủ. Gã bạo chúa cần một chiến lược khuếch tán giúp câu chuyện của hắn lan tỏa mạnh hơn.

Thời điểm đó – thời điểm nước Đức nghèo khó, cực khổ tận cùng và chính phủ thì chẳng mấy quan tâm tới người dân, các sự kiện lớn luôn thu hút đông đảo người dân bởi tính hiếu kỳ. Hitler biết điều này, do đó hắn liên tục tổ chức các sự kiện chính trị hoành tráng như meeting thắp đuốc, diễu hành mỗi ngày với 192,000 quân lính trên các con phố lớn, gặp mặt tầng lớp tri thức giàu có,… để củng cố địa vị và sức hút cho phong trào. Đống hào nhoáng này đã thành công, giúp Hitler lôi kéo gần 1,000,000 lính gia nhập binh đoàn “chết chóc” khét tiếng và sự ủng hộ của đông đảo người dân. 

Khuếch tán câu chuyện

Soi chiếu lại câu chuyện làm branding, chiến lược khuếch tán chính là “đôi cánh” giúp thương hiệu bay xa. Ngày nay, với sự ra đời của hàng loạt công cụ Marketing mới như mạng xã hội, webinar, livestream,… bạn sẽ chẳng khổ và tốn tiền như Hitler ngày xưa. Tuy nhiên, rào cản thấp thì cạnh tranh cao. Do đó, nếu không thực sự nổi bật thì sẽ khó được khách hàng quan tâm. Liên tục cập nhật xu hướng mới, ứng dụng công nghệ tối ưu hóa hiệu suất, tạo ra những câu chuyện hay và sẵn sàng để bứt phá theo kiểu bạo chúa Adolf Hitler là “chìa khóa” thành công trong cuộc chiến tâm trí và trái tim người tiêu dùng tương lai.

Comments

comments

Leave a Comment