Adsota Creative Agency Blog

6 xu hướng Digital Marketing sẽ “làm mưa làm gió” trong năm 2020

Thị trường digital marketing luôn biến đổi và phát triển không ngừng với những xu hướng, thuật toán mới được áp dụng từng ngày. Chính vì vậy, không sớm cập nhật và “đón đầu” những xu hướng mới đồng nghĩa với việc một marketer sẽ bị bỏ lại phía sau một cách nhanh chóng so với nhu cầu của thị trường. Hãy cùng Adsota “gia cát dự” những làn sóng mới sẽ đổ bộ vào ngành digital marketing trong năm 2020 này nhé!

1. Shoppable posts (social commerce) – Mua sắm ngay tại bài đăng

Thời gian dài trước đây, rất nhiều doanh nghiệp hay shop kinh doanh nhỏ trên các mạng xã hội như Instagram, Facebook phải tìm mọi cách để các follower ghé thăm trang web hay shop online của mình qua các bài đăng hay chiến dịch khuyến mại hấp dẫn. Tuy thế, tính năng Instagram Checkout được ra mắt trong thời gian gần đây đã giải đáp toàn bộ khúc mắc này, đồng thời mở ra một xu hướng mới trong digital marketing cũng như thương mại điện tử – Social Commerce.

Social Commerce là một xu hướng cho phép người dùng mạng xã hội có thể trực tiếp thực hiện hành động mua hàng ngày trên các bức ảnh hay  bài đăng thường ngày trên newfeed mạng xã hội hoặc các mẩu quảng cáo.mà không cần phải rời khỏi app. Các chủ doanh nghiệp hay cửa hàng chỉ cần đăng tấm ảnh có mặt hàng của mình lên, gắn tag giá vào sản phẩm như một post bình thường và từ đó người dùng có thể dễ dàng khảo giá và tiến hành mua hàng chỉ với một cú click. Tính năng này của các mạng xã hội cho phép bạn tiếp cận khách hàng mới một cách nhanh chóng và dễ dàng, rút ngắn phễu bán hàng và giúp người dùng dễ dàng mua sắm hơn.

Hiện nay, các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram và Pinterest đều cung cấp tính năng này và các chủ shop đều có thể link shop online của mình đến các mạng xã hội một cách dễ dàng. Đây hứa hẹn sẽ là công cụ chủ lực cho lĩnh vực eCommerce và đồng thời là xu hướng digital marketing các doanh nghiệp nên lưu tâm trong năm 2020 này.

2. Interactive content – Nội dung tương tác

Ngày nay, content marketing không còn đơn thuần chỉ là việc cung cấp thông tin hay chuyển tải thông điệp một cách một cách một chiều đến với người tiêu dùng. Ngày nay, trước việc bị bội thực thông tin với quá nhiều nội dung và quảng cáo xuất hiện hằng ngày, khách hàng giờ đây chỉ chú ý đến những nội dung trực quan, đem lại trải nghiệm mới và có tính tương tác cao. Do đó, interactive content xuất hiện để đem tới “luồng gió” và hứng thú cho độc giả với những nội dung có thể tương tác được.

Chiến dịch “Tôi là Reno” của Oppo ứng dụng Photo Contest

Một số dạng interactive content tiêu biểu có thể kể đến là Photo contest, Story content, Quizz, Poll, Meme, ảnh GIF, Livestream.. Một số thống kê cũng cho thấy hiệu quả  của hình thức nội dung này so với những dạng content thông thường khác:

  • Interactive Content giúp người đọc ghi nhớ thông tin dễ dàng hơn gấp 7 lần.
  • Hơn 80% người dùng hứng thú với Interactive Content.
  • Hơn 2/3 Marketer đã và đang tạo nên những câu chuyện thương hiệu với loại hình Interactive Content.

Chính vì sự mới mẻ và tính tương tác cao, interactive content sẽ thúc đẩy các hành động với bài viết như react, chia sẻ hay thảo luận từ phía người đọc, góp phần làm tăng nhận diện thương hiệu của nhãn hàng. Kết hợp loại content tương tác cùng các loại nội dung truyền thống khác nhau trên nhiều kênh sẽ là một bước đi khôn ngoan đối với mỗi doanh nghiệp trong năm 2020 sắp tới.

3. Live Video, Short Video và Vertical Video bùng nổ

Từ trước đến nay, video content luôn tỏ rõ ưu thế của mình trên các nền tảng mạng xã hội. Khảo sát đến từ We Are Social tại Việt Nam đã chỉ ra rằng, các nội dung video trên social media có lượng tương tác gấp gần hai lần so với so với trung bình các loại hình nội dung khác. Video marketing cũng sẽ là phương thức chuyển thông tin quan trọng của tương lai khi theo dự báo của nhiều chuyên gia, video sẽ chiếm 82% traffic toàn cầu vào năm 2021.

Năm 2019 đánh dấu sự bùng nổ của một nền tảng video mới – TikTok. Cùng với đó, nền tảng này cũng dẫn dắt cho những fomat nội dung video mới, ngắn hơn, tính tương tác cao hơn và cũng “dễ tiêu hóa” đối với người dùng hơn là short video (clip ngắn) cùng vertical video (clip quay theo chiều dọc). Sức lan truyền chóng mặt của Tik Tok hay IGTV của Instagram cũng cho thấy một xu hướng mới trong cách người dùng tương tác với loại nội dung video. Ngắn gọn, sáng tạo, không quá cầu kì và tính giải trí cao chính là những gì mà một clip video cần để thu hút sự chú ý từ người xem. Các short video được quay dưới dạng chiều dọc (vertical) tỏ ra thân thiện hơn rất nhiều và được tối ưu tốt cho chiều dài của smartphone – thiết bị chủ yếu được người tiêu dùng sử dụng để truy cập mạng xã hội. 

Ngoài ra, video livestream vẫn sẽ duy trì được hiệu quả của mình trong năm 2020 tới. Theo thống kê trung bình, video phát trực tiếp (live streams) trên Facebook, Instagram có khả năng giữ chân khách hàng xem gấp 3 lần khi xem video được quay và đăng tải lại. Thời gian xem hàng ngày cho các video trên Facebook Live đã tăng gấp 4 lần trong một năm và chúng tạo ra số lượt tương tác nhiều gấp 6 lần so với các video truyền thống.

Bên cạnh việc điều chỉnh hình thức các nội dung video trên social media cho “hợp thời”, các marketer cũng cần tinh chỉnh lại nội dung thông điệp mình đưa ra, trong bối cảnh thời gian mà người dùng dành cho các short video cũng sẽ bị thu hẹp đi đáng kể.

4. Micro – Influencer sẽ là sự lựa chọn tối ưu

Sử dụng influencer từ lâu đã là một xu hướng rất thịnh hành và cũng tỏ ra tương đối hiệu quả trong digital marketing trong thời gian gần đây. Tuy vậy, việc quá nhiều celebrities (người nổi tiếng) thực hiện nhiều chiến dịch cho các nhãn hàng đã khiến cho hình thức này dần trở nên bão hòa. Một KOL lớn chắc chắn sẽ nhận được lời mời quảng cáo từ nhiều nhãn hàng, và vì thế, việc người đó xuất hiện và làm đại sứ ở quá nhiều chiến dịch sẽ khiến cho mức độ tin tưởng đến từ khách hàng giảm đi một cách đáng kể. Trái ngược với những influencer có tầm ảnh hưởng lớn, các micro-influencer tồn tại trong mọi lĩnh vực tiếp thị. Họ có số lượng người theo dõi dưới 50000, nhưng hầu hết những người theo dõi họ thực sự rất quan tâm đến những gì influencer nói. Micro-influencer thường đồng thời là các content creator, chuyên gia trong một lĩnh vực, nhạy bén trong việc tạo nội dung tiếp cận tự nhiên với người xem và rất gắn bó với cộng đồng của họ. Chưa kể đến việc sử dụng micro influencer cũng giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm khoản chi phí đáng kể so với người nổi tiếng.

Thống kê cũng cho thấy là những influencer sở hữu cộng đồng từ 30,000 follower trở xuống thường có lượng tương tác trung bình lớn hơn 60% so với người nổi tiếng hay các macro – influencer, trong khi chi phí lại rẻ hơn từ 6 đến 7 lần.

5. Data-driven marketing

2020 sẽ là năm mà các nhà tiếp thị sẽ chú trọng hơn vào việc sử dụng dữ liệu và các tiến bộ công nghệ như AI hay machine learning làm công cụ đắc lực cho những chiến dịch của mình – những chiến dịch marketing cá nhân hóa.

Marketing cá nhân hoá là phương thức thực hiện một chiến lược truyền tải những nội dung cá thể hoá đến từng khách hàng tiềm năng thông qua việc thu thập, phân tích dữ liệu.thông qua thói quen của người dùng trên nhiều nền tảng khác nhau. Hiện nay với những thông điệp quảng cáo liên tục bủa vây, khách hàng chắn chắn sẽ chỉ hứng thú với những thông điệp mang tính cá nhân cao, đáp ứng được nhu cầu của bản thân thay vì những thông điệp chung chung.

Chiến dịch của H&M tại Trung Quốc năm 2019 áp dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo khi tạo một stylist ảo cho mỗi khách hàng dựa trên dữ liệu người dùng WeChat

Dữ liệu được phân tích và tổng hợp sẽ giúp các marketer đúc kết thành nhiều chân dung khách hàng cụ thể khác nhau, từ đó đưa ra những chiến dịch đến đúng đối tượng, với đúng thông điệp, vào đúng thời điểm. Nhiều chuyên gia cho rằng content sẽ không còn là vua, mà thay vào đó, “Content là hoàng hậu, và dữ liệu người dùng mới là vua”

6. Tối ưu trải nghiệm trên thiết bị di động

Mobile marketing giờ đây không còn là một xu hướng mà đang dần trở thành phương thức bắt buộc đối với mỗi marketer khi nghĩ đến các kênh digital. Theo thống kế từ We Are Social, Việt Nam có tổng cộng gần 64 triệu người dùng Internet, trong đó số người truy cập bằng thiết bị di động là 61.73 triệu người, chiếm 96% người dùng internet & chiếm 64% dân số Việt Nam. Đồng thời, người Việt sử dụng các thiết bị mobile để truy cập internet trung bình 2.8 giờ/ngày, nhỉnh hơn so với 2.4 giờ/ngày của desktop. Tất cả những con số nói trên là lý do vì sao tối ưu trải nghiệm người dùng trên thiết bị di động lại là một trong các xu hướng digital marketing trong năm 2020 sắp tới. 

Theo Google, để tối ưu cho trang mobile web cho thương hiệu của mình , các doanh nghiệp cần chú ý đầu tư vào 2 công nghệ chính là AMP (Accelerated Mobile Pages) – giúp tăng tốc độ truy cập dành cho thiết bị di động và PWA (Progressive Web Application).- thiết kế các web app thừa hưởng các tính năng và tương thích với trình duyệt web.


Đừng quên theo dõi Blog và Fanpage của Adsota để cập nhật những thông tin hay báo cáo mới nhất về Thế giới số cũng như Thị trường Quảng cáo và Ứng dụng di động nhé!

 

 

Comments

comments

Leave a Comment