Adsota Creative Agency Blog

Làm thế nào để trở thành một Game Streamer thành công? (Phần cuối)

Trong bài viết ở phần trước, Adsota đã cùng các bạn tìm hiểu những bước đi đầu tiên trên con đường trở thành một streamer thành công. Sau khi đã lựa chọn được cho mình một nền tảng thích hợp để bắt đầu stream, cũng như chuẩn bị những thiết đặt về kĩ thuật hay thiết bị, phần cứng thì giờ là lúc chúng ta nên bắt đầu đi sâu vào những chiến lược xây dựng cộng đồng người theo dõi và xây dựng thương hiệu cho bản thân mình.

Cùng nghiên cứu những vấn đề này trong phần cuối của chủ đề qua bài viết dưới đây nhé!

Tìm game và “ngách” riêng cho bản thân

Chọn game gì thích hợp để chơi trên stream của mình là một việc cần phải cân nhắc kĩ. Để đánh giá điều này thì có rất nhiều tiêu chí và phần nhiều phụ thuộc vào bản thân streamer. Đầu tiên là có thể chọn những game đang hot hiện nay và có nhiều người chơi như Liên Minh Huyền Thoại (LOL), Liên Quân Mobile, PUBG, FIFA Online 4, v.v… Vì có cộng đồng người chơi đông đảo cho nên nhu cầu xem stream từ cộng đồng của những game này chắc chắn sẽ rất nhiều.

Image result for game for stream

Tuy vậy, bạn cũng sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh bởi đã vốn có rất nhiều streamer nổi tiếng đã trở thành “top-of-mind” trong tâm trí người xem khi nhắc đến các tựa game phổ biến nói trên. Để có chỗ đứng và tạo ra được sức hút thì bạn bắt buộc phải có đặc điểm gì đó khác biệt so với họ, ví dụ như kĩ năng chơi game thượng thừa, tính cách vô cùng hài hước hoặc vốn đã có rất nhiều fan. Còn nếu không thì bạn sẽ chỉ kẻ đi sau và nhanh chóng chìm nghỉm trong “hằng hà sa số” những streamer ngoài kia với khi chỉ sở hữu vài trăm lượt follow.

Image result for popular games

Để tránh điều này xảy ra thì có một phương án khác là tìm những trò chơi thực sự phù hợp với bản thân mình, một game mà bạn thực sự thích chơi, thực sự chơi giỏi và đủ độc đáo, khác biệt để gây hứng thú cho người xem. Trong khoảng thời gian ban đầu khi xây dựng cộng đồng người xem, hãy tự tìm cho mình một “ ngách ” riêng để nổi bật giữa đám đông, sau đó thì hùa theo phong trào chơi các game hot cũng chưa muộn. Trong cộng đồng streamer Việt thì có một ví dụ tiêu biểu cho chiến lược này mà không thể không nhắc đến là chàng streamer vui tính Dũng CT. Giữa vô vàn những stream lựa chọn các bộ môn esport như LOL hay DOTA2 trong khoảng thời gian đó, một mình game thủ này chọn một con đường riêng là các tựa game Offline. Với thế mạnh là vốn ngoại ngữ khá, khiếu hài hước và tài ăn nói có duyên của mình, anh dần nổi lên thành một trong những streamer có nhiều lượt subscribe và được yêu thích nhất hiện nay. Chưa kể, anh còn được coi là người tiên phong cho trào lưu stream những game độc đáo và mới ra mắt.

Image result for dũng CT livestream

Đương nhiên, không phải những quy tắc này đều đúng trong mọi trường hợp. Tựu chung lại, bạn không nên chạy theo phong trào mà hãy chọn ra cho mình một con đường riêng nhé!

Duy trì một thời gian biểu cố định khi stream

Một người muốn theo dõi show truyền hình ưa thích của  mình trên TV, họ sẽ luôn sắp xếp mọi việc để có thể thảnh thơi xem chương trình đó vào một khung giờ cố định. Khán giả xem stream cũng vậy. Cho nên một thời gian biểu cố định là vô cùng quan trọng bởi có thể sẽ có rất nhiều người đã sắp xếp công việc của họ để có thể chờ xem bạn “lên sóng”. Bên cạnh tính cố định thì bạn cũng nên xây dựng lịch stream rơi vào những khung giờ thuận tiện để người xem có thể dễ dàng nắm bắt và theo dõi.

Image result for streaming time table

Dần dần điều này sẽ hình thành nên thói quen cho người xem. Trong quá trình stream, hãy khéo léo nhắc nhở khán giả theo dõi và đăng kí các kênh khác của mình như fanpage, Facebook cá nhân hay kênh Youtube. Từ đó bạn có thể dễ dàng thông báo lịch stream và nội dung stream của bạn trước cho người xem cũng như là những thay đổI về thời gian biểu trong trường hợp đột xuất. Hãy trình bày lịch stream của mình sao cho dễ nhìn, rõ ràng và xúc tích nhất có thể. Cùng với đó, hãy đặt chúng ở các vị trí thuận tiện, dễ thấy như bài ghim ở đầu fanpage hay ghi chú ở phần “About”. Bạn cũng có thể đặt lịch trình của mình hiện ở ngay dưới khung chân dung khi stream. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để bạn có thể duy trì một cộng đồng người xem ổn định trước khi có ý định mở rộng và tiến xa hơn.

Tương tác và trò chuyện với người xem

Tự dưng ngồi nói chuyện “tự kỷ” một mình, nhất khi stream đang thưa thớt người xem có thể là một điều hơi kì cục, nhưng đối với một streamer hay bình luận viên nói chung thì việc duy trì mạch nói chuyện liên tục thực ra lại rất quan trọng. Nhiều lúc trong khi stream, sẽ có một số khán giả hiếu kì đột ngột nhảy vào vài phút để xem nội dung đó có gì hay ho, thú vị không. Và nếu chứng kiến cảnh bạn chỉ “im lặng như tờ” và chăm chú vào màn hình máy tính chơi game một cách nhạt nhẽo, khả năng cao là họ sẽ rời kênh stream của bạn để ra chỗ khác xem luôn và ngay dù kĩ năng của bạn có điêu luyện đến mức nào đi chăng nữa.

Image result for streamer talk with viewer

Chưa nói đến chuyện bạn có đủ hoạt ngôn, hài hước hay không thì việc nói chuyện và tương tác với mọi người khi stream một cách liên tục ít nhất cũng sẽ làm gia tăng thêm khả năng níu giữ khán giả mới cho mình. Đối với các streamer, khác biệt lớn nhất để khán giả nhớ về khi chọn theo dõi người này hay người khác chính là lối nói chuyện hay giao tiếp. Khi bạn tích cực trò chuyện, tương tác, thể hiện mình nhiều hơn trên stream, sẽ có những người xem cảm thấy “hợp gu” và quyết định theo dõi các nội dung khác của bạn thường xuyên hơn. Và hơn nữa là hãy cố gắng xây dựng cho bản thân một hình tượng hay nét riêng khi stream để không bị nhạt nhòa trong vô số các streamer ngoài kia nhé!

Image result for streamer talk with viewer

Khi sở hữu một số lượng khán giả trung thành nhất định, hãy thường xuyên tương tác với họ để giữ chân những người xem quý giá này. Hãy “refresh” lại list người xem liên tục và gửi lời chào đến những khán giả mới vào xem stream trong lúc nói chuyện hoặc qua mục chat. Hãy luôn trả lời những bình luận mang tính tương tác nếu có thể bằng một giọng điệu lịch sự, nhã nhặn nhưng cũng pha chút hài hước và “có muối”.

Related image

Nếu gặp phải người xem nào có những bình luận khiếm nhã hay cực đoan, không nên mất thời gian tranh luận hay cãi cọ với họ mà hãy bật chế độ “mute” và lờ họ đi, “ban” họ khỏi kênh của bạn hoặc cố gắng kết thúc cuộc trò chuyện theo cách lịch sự nhất có thể. Thêm nữa, đừng ngại cho người xem biết là bạn mới tập stream và luôn đón nhận những lời nhận xét hay feedback từ họ dù có là tích cực hay tiêu cực. Điều này vừa giúp bạn nhận được thêm những lời khuyên quý báu để cải thiện nội dung stream của mình, vừa làm cho bạn với khán giả trở nên gần gũi hơn. Bạn cũng có thể lập một group riêng bao gồm những fan “chân chính” của mình và nhờ một người có uy tín cùng với mình trực tiếp  quản lý, tương tác, xây dựng cộng đồng.

Mở rộng mạng lưới của mình

38218432_1521918527914911_4564835875212492800_n

Hãy gặp gỡ và làm quen với thật nhiều streamer và những game thủ có cùng sở thích để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Bạn cũng nên năng tham gia những hội nghị, party hay buổi gặp mặt với cộng đồng game thủ để mở rộng mối quan hệ và mạng lưới của mình. Bạn có thể vào các kênh của những streamer khác để tương tác, ủng hộ họ, chơi game và phối hợp stream cùng với họ. Từ đó, bạn sẽ có thêm những mối quan hệ giá trị và học hỏi được những kinh nghiệm bổ ích từ thế hệ streamer đi trước. Các fan của streamer đó cũng sẽ biết nhiều hơn về bạn và ngược lại. Stream là một công việc liên quan rất nhiều tới yếu tố cộng đồng, và một cộng đồng sẽ luôn lớn mạnh hơn nếu mọi người kể cả các streamer lẫn người xem tham gia giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau để phát triển.

Luôn kiên nhẫn và vui vẻ với đam mê của mình

Người xưa vẫn có câu: “Vạn sự khởi đầu nan”. Nghề nghiệp gì ban đầu cũng có ít nhiều khó khăn và trở ngại riêng. Nếu bạn đã coi việc stream là cái nghề của mình thì để đạt được thành công, cũng phải tự biết cố gắng, nỗ lực và kiên trì. Vậy nên, đừng nản lòng hay bỏ cuộc sớm nếu bạn gặp thất bại trong khoảng thời gian đầu tiên. Hãy kiên nhẫn và cho bản thân thêm thời gian để thử nghiệm những cái mới. Điều quan trọng hơn hết là bạn phải thực sự có đam mê và nhiệt huyết với bất cứ việc gì mình làm. Nếu bạn stream game chỉ vì để có nhiều tiền thì chỉ sau 3 hay 4 tháng thì bạn sớm muộn cũng sẽ nản lòng mà thôi. Hãy luôn nhớ rằng chúng ta đang làm một việc là “chơi game”, nên dù nó chỉ là sở thích hay bạn coi nó là cả sự nghiệp thì chỉ khi cảm thấy vui vẻ khi làm nó thì bạn mới nên tiếp tục. Khi việc stream game đối với bạn là một trải nghiệm đầy phấn khích và hạnh phúc, bạn sẽ tận hưởng nó mỗi ngày thay vì coi đó là công việc. Một streamer vui vẻ, nhiệt huyết với niềm đam mê của mình chắc chắn sẽ luôn được người xem yêu thích và đón nhận.

Tổng kết

Hy vọng 2 phần của bài viết đã đem lại cho bạn một góc nhìn và nhận ra được đâu là những điều cần làm trên con đường bước đến thành công của việc làm game streamer. Adsota chúc tất cả các bạn đọc sẽ đạt được những gì mình mong muốn bằng niềm đam mê và sự cố gắng không ngừng. Cùng đón chờ những bài viết về thế giới Gaming Livestream trên blog của Adsota nhé!


Nguồn: Tổng hợp

Comments

comments

Leave a Comment